Công nghệ

Chuyên mục: Xe buýt nhanh BRT

04 THÁNG 7 , 2018

 Xe buýt nhanh (BRT) có khối lượng chuyên chở lớn, thời gian chạy nhanh và an toàn hơn so với xe buýt truyền thống

 

Hình ảnh mô phỏng xe buýt nhanh sắp hoạt động tại TPHCM - Ảnh 1.

 Tuyến BRT số 1 có chiều dài 23,5km bắt đầu từ nút giao An Lạc (huyện Bình Chánh, TP. HCM) theo đại lộ Võ Văn Kiệt, vượt sông Sài Gòn và kết nối với điểm cuối là nút giao Cát Lái. Tổng vốn đầu tư xây dựng dự án này là 137,5 triệu USD, trong đó có 124 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng của thành phố.

Tại cuộc họp về thiết kế kiến trúc cho tuyến xe buýt nhanh số 1 (BRT số 1), ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (UCCI - chủ đầu tư dự án) cho biết dự án xây dựng tuyến BRT số 1 (thuộc dự án phát triển giao thông xanh TP. HCM) đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết.

Đến năm 2016, việc thiết kế này sẽ hoàn thành để tổ chức đấu thầu. Tiếp theo trong 2 năm 2017 – 2018, các đơn vị thi công sẽ tổ chức thi công dự án này. Dự kiến, vào cuối năm 2018, đầu năm 2019, tuyến BRT số 1 sẽ được đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Theo ông Phúc, tuyến BRT số 1 là tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại TPHCM. Đây là loại hình vận tải hành khách công cộng mới có khối lượng chuyên chở lớn, thời gian chạy nhanh và an toàn hơn so với xe buýt truyền thống. Các xe buýt của tuyến BRT số 1 đều sử dụng nhiên liệu là khí nén thiên nhiên CNG nên thân thiện với môi trường.

Hình ảnh mô phỏng xe buýt nhanh sắp hoạt động tại TPHCM - Ảnh 2.

 Trên tuyến này dự kiến có 28 xe buýt, các xe buýt này sử dụng nhiên liệu CNG thân thiện với môi trường. Mỗi xe buýt có thể vận chuyển 80-90 người.

Bên cạnh đó, tuyến xe buýt này chuyên chở được khối lượng lớn hành khách nên khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Đặc biệt tại điểm đầu của tuyến (nút giao An Lạc) gần với bến xe Miền Tây mới nên sẽ là đầu mối giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Tây, còn tại nút giao Cát Lái sẽ có cầu vượt để kết nối với tuyến Metro số 1 Bến Thành-  Suối Tiên để tăng hiệu quả phục vụ khách.

“Hiện nay, phương tiện vận tải công cộng của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 6% nhu cầu đi lại của người dân. Theo quy hoạch, ngoài tuyến BRT số 1, thành phố còn có 5 tuyến xe buýt nhanh khác. Trong 20 năm nữa, các tuyến BRT kết hợp cùng các tuyến tàu điện ngầm sẽ tạo thành hệ thống giao thông công cộng mới, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân.”, ông Phúc cho biết.

Hình ảnh mô phỏng xe buýt nhanh sắp hoạt động tại TPHCM - Ảnh 3.

 Dọc theo tuyến này có 28 trạm dừng để phục vụ đón, trả khách.

Hình ảnh mô phỏng xe buýt nhanh sắp hoạt động tại TPHCM - Ảnh 4.

 Các trạm dừng có sàn thấp ngang với sàn xe nên người khuyết tật dễ dàng tiếp cận xe buýt.

Hình ảnh mô phỏng xe buýt nhanh sắp hoạt động tại TPHCM - Ảnh 5.

 Dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, chủ đầu tư sẽ xây dựng 17 cầu vượt để người dân hai bên trục đường dễ dàng tiếp cận xe buýt.

Hình ảnh mô phỏng xe buýt nhanh sắp hoạt động tại TPHCM - Ảnh 6.

 Hành khách đi xe buýt sử dụng thẻ thông minh, tiện ích.

Hình ảnh mô phỏng xe buýt nhanh sắp hoạt động tại TPHCM - Ảnh 7.

 Tuyến xe buýt BRT có làn đường ưu tiên nên luôn đảm bảo tốc độ di chuyển nhanh, liên tục.